Review Loa Tivi Bluetooth Bose Smart SoundBar 300: Một chiếc SoundBar chất lượng cao đủ dùng

Chắc hẳn mọi người đều biết rằng việc đầu tư một cái SoundBar cho TV của mình là cách tốt nhất để cải thiện đáng kể trải nghiệm âm thanh nghe nhìn cho phòng của mình. Nhưng dường như thị trường SoundBar đầy ắp những lựa chọn với mọi thể loại giá cả. Mới đây, Bose vừa cho ra mắt mẫu loa Tivi Bose Smart SoundBar 300 hoàn toàn mới, đây sẽ là sản phẩm loa TV có giá cả tiếp cận nhất trong line-up Smart SoundBar của Bose, nhưng sẽ được thừa hưởng rất nhiều tính năng từ đàn anh SoundBar 500 và SoundBar 700. Vậy hãy cùng TecHland trải nghiệm và tìm hiểu xem mẫu SoundBar này có phù hợp dành cho bạn không nhé.

 

  1. Thiết kế

Giống với người đàn anh Bose Smart SoundBar 500, 700, chiếc 300 này sở hữu thiết kế tối giản, thanh lịch nhưng không kém phần sang trọng. Nó không có nhiều chi tiết quá bắt mắt, nổi bật mà khiến bạn bị sao nhãng khỏi màn hình Tivi. Chất lượng hoàn thiện của chiếc SoundBar này rất tốt, với lưới loa được làm bằng kim loại bọc xung quanh bề mặt ngoài. Phần trên được làm bằng nhựa nhám cao cấp rất đơn giản, chỉ có logo Bose và đèn LED hiển thị trạng thái. Mọi chi tiết đều được láp ráp một cách chắc chắn, đem lại một cảm giác cao cấp và bền bỉ.

Đặc biệt hơn, chiếc Smart SoundBar 300 có kích thước rất nhỏ nhẹ, với chiều cao chỉ 5.7 cm, chiều dài 70 cm và chiều sâu 10 cm. Với số đo ba vòng như vậy thì Bose đã đảm bảo được tính linh hoạt về cả chỗ lắp đặt và tính dễ dàng khi muốn di chuyển chiếc loa này. Bạn nào không muốn đặt nằm ngang thì có thể mua thêm khung để gắn chiếc loa này lên tường. Mình nghĩ rằng với thiết kế như vậy thì SoundBar 300 đặt đâu cũng hợp.

 

      2.  Phần cứng

Driver loa

Mặc dù có thân hình nhỏ con như vậy nhưng Bose Smart SoundBar 300 được trang bị tới tận 5 Driver loa, gồm có 4 Driver Full Range dành cho mọi dải âm và 1 Tweeter để đảm bảo được chất lượng âm thanh đầy đặn nhất. Bose cũng đã trang bị thêm nhiều Microphone được đặt vòng quanh chiếc loa này để hỗ trợ tính năng “triệu hồi” trợ lý ảo cũng như giúp với tính năng tuỳ chỉnh âm thanh theo hình dạng của phòng.

 

 

Trong hộp có những gì? 

Khi bạn mua Bose Smart SoundBar 300, hãng sẽ kèm theo dây nguồn dài mét rưỡi , điều khiển từ xa (bên trong có sẵn pin), dây optical dài mét rưỡi cùng với những thứ tiêu chuẩn như hướng dẫn sử dụng. Điều đặc biệt ở đây là tụ nguồn đã được tích hợp sẵn bên trong loa nên dây nguồn sẽ rất mỏng và nhẹ, hãng làm vậy để các bạn có thể luồn dây thoải mái mà không phải lo về cái tụ điện nằm bên ngoài tốn diện tích. Điều khiển từ xa cũng là một chi tiết khá hay ho, vì bề mặt trên của loa không có nút bấm nào nên các bạn chỉ có thể tương tác với chiếc loa này qua cái điều khiển này hoặc qua app trên điện thoại. Mọi người cũng nên lưu ý là chiếc này không đi kèm dây HDMI, mình sẽ phải mua ngoài.

Các bạn có thể tham khảo giá của dây HDMI tại =====> ĐÂY.

 

Cổng kết nối

Để có thể xuyên suốt với thiết kế tối giản của chiếc Smart SoundBar 300, tất cả cổng kết nỗi đã được hãng giấu rất kỹ vào một góc ở đằng sau loa, khiến cho việc Set up và đi dây rất dễ dàng. Chiếc loa này có những cổng kết nối sau: Cổng Nguồn, Hồng Ngoại, Bass để các bạn có thể cắm Subwoofer, Optical in, Micro USB cùng với cổng ARC HDMI. Đối với kết nối không dây thì các bạn có thể kết nốt qua chuẩn bluetooth 4.2, Wifi hay Apple AirPlay 2 rất tiện lợi. Mình thấy với những cổng kết nối như vậy là quá đủ đối với một chiếc SoundBar.

Dưới đây là thông số kỹ thuật của Bose Smart SoundBar 300:

  • Drivers: 4 Driver full range + 1 Tweeter
  • Dải tần số: 55.8 Hz – 18.8 kHz
  • Kích cỡ: 5.7 H x 70 L x 10 D (cm)
  • Cổng kết nối: Nguồn, Hồng ngoại (IR), 3.5m Jack cho Subwoofer, Optical In, Micro USB, ARC HDMI.
  • Chuẩn kết nối không dây: Bluetooth 4.2, Wifi, Apple AirPlay 2 và Spotify Connect
  • Trọng lượng : 3.175 kg
  • Trợ lý ảo: Google Assistant, Alexa
  • Chuẩn âm thanh: Dolby Digital, DTS, Dolby Digital Plus
  • Số kênh : 2.0 surround với tuỳ chọn mở rộng bằng những thiết bị khác của Bose

 

      3.  Tính năng

Bose Smart SoundBar 300 được coi là chiếc loa Tivi có nhiều tính năng nhất trong tầm giá. Kể cả khi không cắm vào TV thì chiếc loa này vẫn có thể hoạt động riêng biệt như Smart Speaker được, thậm chí nó còn sở hữu nhiều tính năng hơn cả loa Bluetooth thông minh trong tầm giá. Chính vì vậy nên việc Set-up loa chưa bao giờ dễ dàng đến vậy, nếu bạn muốn cắm vào TV thì chỉ cần cắm cổng HDMI, còn nếu muốn sử dụng nó như loa thông minh thì các bạn chỉ cần kết nối qua Bluetooth hay AirPlay 2 rất đơn giản. Ngoài ra, các bạn có thể chơi nhạc thẳng từ Spotify, Pandora với TuneIn mà không cần phải kết nối với điện thoại.

Năm nay Bose đã tích hợp trợ lý ảo Google Assistant với Alexa vào trong chiếc SoundBar 300, đây được coi là điểm mạnh lớn nhất so với các đối thủ khác. Điều này nghĩa là nó sẽ thừa hưởng tất cả các tính năng của cả 2 hệ sinh thái smart home đến từ Google và Amazon. Khả năng bắt tiếng triệu hồi “Hey Google” cũng khá ấn tượng khi nó có thể nghe thấy giọng mình khi đang chơi nhạc ở mức âm to nhất. Nhưng mình thấy hơi tiếc bởi vì Google và Amazon vẫn chưa chính thức hỗ trợ 2 hệ sinh thái smart home này tại Việt Nam nên chiếc Soundbar 300 này sẽ không được phát huy hết tiềm năng của nó.

Real-time tuning cũng là một tính năng rất đáng giá có trên chiếc Smart SoundBar 300, chiếc loa này sẽ tự động điều chỉnh tiếng tuỳ vào hình dạng của phòng nghe cũng như nguồn phát, để đảm bảo âm thanh ổn định nhất dù đặt ở bất kỳ vị trí nào. Chiếc loa có được tính năng này là do Bose đã sử dụng mic đặt ở phía bên ngoài loa để có thể nghe được tiếng vang, từ đó nó sẽ phân tích âm hình và điều chỉnh âm thanh sao cho phù hợp nhất. Trong quá trình trải nghiệm thì mình thấy tính năng này hoạt động khá tốt, tiếng được cho ra một cách rất đầy đặn kể cả khi mình đang đứng ở góc phòng.

Smart SoundBar 300 có một tính năng mình thấy rất hay cho những gia đình nào đang có con nhỏ hay đông người, đó là SimpleSync. SimpleSync sẽ cho phép người dùng kết nối chiếc SoundBar này với tai nghe Bose tương thích qua Bluetooth. Từ đó, bạn có thể tiếp tục xem phim hay nghe nhạc thoải mái mà không sợ làm phiền những người khác trong gia đình. SimpleSync cũng cho phép người dùng kết nối nhiều thiết bị âm thanh Bose cùng một lúc để tạo nên Set-up đa kênh hay chơi nhạc trong nhiều phòng cùng một lúc.

Thêm vào đó, Bose cũng trang bị thêm công nghệ QuietPort rất tiên tiến, hiểu nôm na ra thì tính năng này sẽ phát ra một tiếng âm thanh nền để giúp loại bỏ những tạp âm vang lại gây xao nhãng. Âm thanh này cũng sẽ giúp những sóng âm Bass đi một cách mạnh và xa hơn. Mặc dù vấn đề này không đáng kể nhưng Bose vẫn dành ra rất nhiều thời gian và công sức để đảm bảo cho người dùng có được trải nghiệm nghe nhìn tuyệt vời nhất.

App đồng hành với cái Smart SoundBar này được thiết kế rất đẹp mắt, dễ dùng và ổn định, mình mở app phát là biết làm gì luôn chứ không bị thiết kế nửa vời cho có như những hãng làm loa khác. Bose đã chăm chút tỉ mỉ đến việc thiết kế giao diện sao cho nó đi đôi với ngôn ngữ thiết kế sản phẩm của họ. Việc kết nối thiết bị với app cũng rất nhanh chóng và dễ dàng, chỉ mất có 20 giây là xong, sau khi kết nối thì các bạn sẽ có rất nhiều tuỳ chọn EQ để tinh chỉnh sao cho phù hợp nhất.

 

        4.  Chất lượng âm thanh

Mình khá là bất ngờ về khả năng truyền âm của chiếc Smart SoundBar 300 này. Mặc dù sở hữu một thân hình nhỏ con nhưng tiếng nó to và đầy đặn, rất phù hợp khi để nó ở phòng ngủ lớn hay phòng khách nhỏ. Tổng quan về chất âm thì như bao chiếc SoundBar khác, giải âm trung (mid), đặc biệt là hội thoại được thể hiện một cách rất rõ, Bose làm vậy để cải thiện trải nghiệm xem phim của người dùng vì phần lớn phim điện ảnh có rất nhiều hội thoại. Mặc dù âm Mid được nhấn mạnh nhưng nó không làm lu mờ những giải âm khác. Tiếng giọng nói nhân vật trong phim được thể hiện một cách rất tự nhiên và sống động, mình đánh giá khá cao về âm mid của chiếc loa này.

Âm Bass được cho ra rất mạnh mẽ và sôi động, những tiếng nhạc cụ trầm như đàn Double Bass, trống rất sạch và không bị đục. Nhưng vì bị thiếu sót Subwoofer nên những tiếng nổ hay tiếng súng ở trong phim mình thấy nó không có được chiều sâu cho lắm, mọi người nên đầu tư thêm một cái SubWoofer riêng biệt nếu thích xem nhiều phim hành động. Còn lại thì âm Bass mình nghĩ là đủ dùng trong đa số trường hợp như nghe nhạc và xem những phim kiểu tâm lý tình cảm hay phim xã hội.

Âm treb cũng được thế hiện khá tốt nhờ driver Tweeter riêng biệt được đặt ở giữa loa. Những âm này được chiếc Smart SoundBar 300 cho ra một cách rất trong trẻo và không bị gắt gỏng, đây là điều khá bất ngờ vì âm cao thường không được chú trọng cho lắm trong những chiếc loa TV đến từ hãng khác.

*Frequency Response của chiếc Bose Smart SoundBar 300*

Cái bất ngờ lớn nhất đến từ chiếc loa này là sân khấu âm thanh (Sound stage) của Bose Smart SoundBar 300 rất là rộng. Mặc dù chỉ có 2 kênh (trái-phải) và một loa center ảo, nhưng âm thanh được tách biệt rất rõ. Mình đã trải nghiệm xem phim Star Wars với chiếc loa này và phải nói rằng cái đoạn đầu lúc tiếng nhạc giao hưởng cất lên khiến mình phải nổi da gà, mình có thể nghe được rõ từng loại nhạc cụ nào đang được chơi. Những đoạn hội thoại giữa các nhân vật cũng được thể hiện một cách rất chi tiết, nhiều lúc nghe đúng như là diễn viên đang nói thẳng vào tai mình vậy. Những bản nhạc Jazz của phim La La Land khi được chơi qua chiếc loa này rất có chiều sâu, nhạc cụ ở đâu là tiếng phát ra từ đó, mình có thể nghe được rõ tiếng Piano và giọng ca ở giữa sân khấu, tiếng đàn Double Bass ở bên phải, guitar bên trái,… Phải công nhận rằng trải nghiệm xem phim và cả nghe nhạc trên chiếc loa này rất là thích.

        5.     Điểm yếu?

Với Smart SoundBar 300, Bose đã cho ra mắt sản phẩm loa TV có giá dễ tiếp cận nhất trong line-up này, mở ra nhiều cơ hội cho những ai muốn bước vào hệ sinh thái Hifi Audio của Bose. Nhưng chiếc Smart SoundBar 300 này vẫn có một số điểm yếu đáng nói, thứ nhất là chất lượng âm bass mặc dù rất tốt khi nghe nhạc và xem đa số phim, những nó vẫn không đủ để có thể gây rung lắc cả căn phòng như những chiếc SoundBar khác có Sub riêng biệt. Vấn đề này thì các bạn dễ dàng có thể xử lý được bằng cách mua kèm Bose Bass Module, nó sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn với những âm trầm, khiến việc xem phim hành động sống động hơn rất nhiều. Thứ hai là giá cả hơi chát so với những đối thủ khác, với tầm giá này thì các bạn cũng có thể mua được cả SoundBar lẫn Sub từ những hãng như Sony hay LG. Cá nhân mình thì thấy rằng Bose Smart SoundBar 300 đắt xắt ra miếng, bởi vì với giá như vậy các bạn sẽ mua được âm thanh cao cấp đậm chất Bose, thêm vào đó là những tính năng chỉ có trên chiếc loa này như hỗ trợ Google Assistant, Alexa hay công nghệ QuietPort tiện lợi. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ có thể dễ dàng nâng cấp dàn Hifi của mình trong tương lai với nhiều sản phẩm Bose khác. Ví dụ như chiếc SoundBar 300 sẽ chỉ là bước đầu, về sau này mọi người nâng cấp lên dàn 3.0 hay 5.1 bằng cách mua thêm loa của Bose cũng được, Set-up đa kênh của Bose rất là đơn giản và dễ sử dụng, chỉ cần thao tác ứng dụng một chút là được.

Vậy đó là bài Review của mình về chiếc Bose Smart SoundBar 300, mình mong rằng bài viết này có giúp ích cho các bạn trong việc mua loa TV, hẹn các bạn vào những bài viết sau nhé.

 

Các bạn có thể tham khảo giá Bose Smart Soundbar 300 tại ======> ĐÂY

Chia sẻ:

Share FacebookShare TweetGooogle PlusGooogle Linked
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bản quyền thuộc về TecHland-Audio | Thiết kế website bởi Poka Media
0988034960